Mô hình phối hợp dạy học liên trường: Hiệu quả từ sử dụng kĩ thuật phòng tranh dạy học chủ đề 4 tài liệu giáo dục địa phương lớp 11 năm học 2024 - 2025 tại một số trường THPT tỉnh Bình Thuận
“Giáo viên là những người truyền cảm hứng, họ biết
rằng việc giảng dạy cũng giống như làm vườn, và sẽ không thể hái được những
bông hoa nếu không chạm vào gai.”
(Trích - Những câu nói
hay về người thầy)
Năm học 2023 - 2024, Tài
liệu giáo dục địa phương (GDĐP) tỉnh Bình Thuận lớp 11 được thực hiện giảng dạy
tại các tường THPT. Và là năm thứ hai chương trình GDĐP tiếp nối từ chương
trình GDĐP lớp 10. Đây là nỗ lực rất lớn từ Phòng chuyên môn của Sở sau khi tài
liệu được Bộ giáo dục phê duyệt, tài liệu chính thức được Sở Giáo dục và Đào
tạo (GDĐT) Bình Thuận triển khai, đưa tài liệu GDĐP lớp 11 vào thực hiện đảm
bảo nội dung chương trình năm học theo quy định của Bộ GDĐT.
Theo nội dung GDĐP tỉnh Bình Thuận lớp 11, tài liệu
bao gồm những vấn đề cơ bản về
văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa
phương, bổ sung cho nội dung giáo dục chung thống nhất trong cả nước, nhằm
trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh
tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để giải quyết
những vấn đề của quê hương Bình Thuận. [1]
Với nhiệm vụ là một môn học “Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học
phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học
khác”
[2].
Vì vậy, môn GDĐP lớp 11 cũng được các thầy cô giáo vận dụng và giảng dạy theo đúng
kế hoạch của tài liệu; bao gồm 7 chủ đề tương ứng với nội dung các môn học và hoạt động giáo dục lớp 11
theo Chương trình GDPT năm 2018. Nội
dung GDĐP lớp 11 được thực hiện trong 35 tuần (Mỗi tuần 01 tiết học kể cả ôn
tập, kiểm tra định kì HKI và HKII). Môn học được kiểm tra đánh giá theo Thông
tư số 22/2021/TT-BGDĐT [3], đánh giá bằng hình thức
nhận xét “đạt/chưa đạt”.
Năm học 2024 - 2025, tài liệu GDĐP tỉnh Bình Thuận lớp
11 được triển khai ngay từ đầu năm học. Vì là môn học có vị
trí tương đương như các môn học khác nên các trường THPT trong toàn tỉnh xây dựng
kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc đúng theo tinh thần từ chương trình
GDPT 2018 của Bộ GDĐT và Hướng dẫn triển khai chương trình của Sở GDĐT Bình Thuận.
Từ nhiệm vụ của người giáo viên trực tiếp giảng dạy môn GDĐP lớp 11,
chúng tôi cũng luôn vận động và sáng tạo không ngừng để vận dụng những phương
pháp dạy học và kĩ thuật dạy học tích cực, những phương tiện dạy học cũng như tự
làm đồ dùng dạy học nhằm giúp các em học sinh có được sự trải nghiệm phong phú
“đồng thời giúp các em phát triển các phẩm chất và
năng lực của bản thân, vừa cụ thể hoá tình yêu quê hương bằng những suy nghĩ,
hành động và việc làm cụ thể; góp phần xây dựng quê hương Bình Thuận phát triển
bền vững, hài hoà giữa truyền thống và hiện đại; hội nhập sâu rộng với các khu
vực, vùng miền trên cả nước”[1] như mục tiêu của tài liệu
GDĐP tỉnh Bình Thuận lớp 11.
Tôi tâm đắc câu nói: “Giáo viên là những người truyền cảm hứng,
họ biết rằng việc giảng dạy cũng giống như làm vườn, và sẽ không thể hái được
những bông hoa nếu không chạm vào gai”. Vì lẽ đó, trong năm học này, từ việc vận dụng các kĩ thuật
dạy học tích cực: Kĩ thuật trò chơi, kĩ
thuật phòng tranh, kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật động não, kĩ thuật tia chớp,
kĩ thuật vẽ sơ đồ tư duy…. Các thầy cô: Thầy Nguyễn Ngọc Bình - Giáo viên
trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai; Cô Nguyễn Thị Ánh Linh - Giáo viên trường
THPT Bắc Bình; Cô Lê Thị Bích Thủy - Giáo viên trường THPT Dân tộc Nội trú Tỉnh đã phối hợp thực hiện dạy học liên
trường bằng nhiều kĩ thuật dạy học tích cực khác nhau mang lại hiệu quả. Trong
đó có sự phối hợp hiệu quả kĩ thuật phòng tranh dạy chủ đề 4 (Tổng quan Văn học
viết Bình Thuận trước năm 1975), tài liệu GDĐP tỉnh Bình Thuận lớp 11, nhằm
giáo dục học sinh tình yêu quê hương tỉnh Bình Thuận qua tranh vẽ, làm thơ do
chính các em học sinh thực hiện.

Học sinh 11A2, trường THPT
Nguyễn Thị Minh Khai tham gia triển lãm tranh và thuyết trình tại lớp học.
Học sinh trường THPT Bắc
Bình, thuyết trình tranh vẽ.
Học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú Tỉnh, tham
gia triểm lãm tranh trong tiết học.
Từ sự thành công của mô hình phối hợp liên trường trong công tác dạy học
cũng là sự đóng góp, hướng dẫn nhiệt tình của cô Đỗ Thị Liên và cô Nguyễn Thị
Thanh Tâm, chuyên viên Phòng GDPT-GDCN&GDTX, Sở GDĐT phụ trách môn GDĐP của
tỉnh Bình Thuận. Chúng tôi, những người thực hiện công tác phối hợp nhận thấy “Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều
gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ”
(Galileo). Vì vậy, những tác phẩm nghệ thuật bằng tranh vẽ, những tác phẩm thơ
do chính các em học sinh của trường chúng tôi thực hiện và được chuyển đổi giao
lưu giữa ba trường THPT trong tỉnh (Nguyễn Thị Minh Khai – Bắc Bình – Dân tộc Nội
trú Tỉnh) là một mô hình khá độc đáo trong công tác chia sẻ kinh nghiệm học tập
giữa học sinh với học sinh và phương pháp dạy học giữa giáo viên với giáo viên
trong năm học này.
“Hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực
hoá hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn
hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống
có vấn đề…” [2].
Từ định hướng về phương pháp giáo dục của Chương trình GDPT 2018, chúng ta những
người làm giáo dục thấy được vai trò, trách nhiệm của mình. Việc vận dụng
phương pháp, kĩ thuật, phương tiện dạy học tích cực là việc làm thường xuyên mà
mang tính khoa học.
Từ mô hình phối hợp trong
phương pháp dạy học liên trường bằng kĩ thuật phòng tranh, chúng tôi thấy đây
là một mô hình mới và khá hiệu quả giúp học sinh giữa các trường giao lưu trao
đổi phương tiện dạy học và tăng cường công tác giao lưu, khuyến khích học sinh
tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, rèn luyện
thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã
tích luỹ được để phát triển. Và quan trọng hơn hết, chúng tôi đã giáo dục học
sinh tình yêu quê hương, yêu con người, yêu các địa danh qua tranh vẽ, cũng như
các tác phẩm thơ ca của tỉnh Bình Thuận.
Người
viết: Nguyễn Ngọc Bình
GV
trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – Tỉnh Bình Thuận
Tài liệu
tham khảo:
[1] Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh
Bình Thuận - Lớp 11;
[2] Chương
trình GDPT tổng thể 2018;
[3] Thông
tư số 22/2021/TT-BGDĐT.