Nhìn lại Chương trình giáo dục địa phương Lớp 10 THPT sau khi được thực hiện năm học 2022-2023 tại tỉnh Bình Thuận
Lượt xem: 4822
So với các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể 2018 thì Giáo dục địa phương (GDĐP) là môn học còn khá mới mẻ đối với giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh. Ngay chính cái tên gọi của nó thì mỗi địa phương sẽ có nội dung dạy học khác nhau; nội dung bám sát vào thực tiễn đời sống xã hội: văn hóa, lịch sử, địa lí, âm nhạc, mĩ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp … ở mỗi vùng miền là khác nhau. 

 

Anh-tin-bai

Khép lại năm học 2022-2023, năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT tổng thể 2018 ở trường THPT. Mặc dù quá trình biên soạn tài liệu GDĐP lớp 10 tại tỉnh Bình Thuận còn gặp khó khăn trong điều kiện thực tế của địa phương: kinh nghiệm, tư liệu, hình ảnh … và do quá trình thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Nhưng đến đầu HKII năm học 2022-2023, sau khi được Bộ GDĐT phê duyệt, môn học chính thức được Sở GDĐT Bình Thuận nhanh chóng triển khai tập huấn cho giáo viên các trường THPT và  đưa vào thực hiện đảm bảo nội dung chương trình, thời gian năm học theo quy định.

 

Nhìn lại chương trình GDĐP lớp 10 THPT sau khi được triển khai thực hiện trong năm học 2022-2023, đến nay có thể nói đây là thành công bước đầu của tập thể tác giả biên soạn và sự chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời của Sở GDĐT để có được kết quả như ngày hôm nay. GDĐP là môn học khá mới mẻ, so với trước đây thì GDĐP thường được tích hợp lồng ghép trong các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân… Nhưng đến khi chương trình GDPT 2018 đi vào thực tiễn, nó là một môn học bắt buộc với tổng số tiết là 35 tiết/01 năm học (01 tiết/01 tuần). Môn học được kiểm tra đánh giá theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT [1], đánh giá bằng hình thức nhận xét “đạt/chưa đạt”. 

Anh-tin-bai

Bản đồ tỉnh Bình Thuận 
- Ảnh chụp từ tài liệu GDĐP lớp 10

Tài liệu GDĐP lớp 10 tỉnh Bình Thuận được biên soạn, sử dụng và quản lý theo quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT [2] ngày 07/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tài liệu có tên gọi là “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Thuận – Lớp 10”, được xem như là sách giáo khoa (gồm 60 trang chưa kể bìa). Đồng Tổng chủ biên thầy Phan Đoàn Thái và cô Trần Thị Kim Nhung; nhóm tác giả gồm có: Lê Phương, Võ Văn Tám và Đặng Khánh Vĩnh. Về nội dung chương trình, tài liệu chia thành 5 chuyên đề học tập: [3] 

Chuyên đề 1. Biến đổi khí hậu ở tỉnh Bình Thuận

Chuyên đề 2. Tổng quan về Văn học dân gian tỉnh Bình Thuận

Chuyên đề 3. Chân dung các nhạc sĩ, nghệ sĩ tỉnh Bình Thuận

Chuyên đề 4. Loại hình mĩ thuật và một số chân dung họa sĩ tại tỉnh Bình Thuận

Chuyên đề 5. Cơ cấu các ngành kinh tế địa phương tỉnh Bình Thuận 

Theo các chuyên đề học tập, tài liệu cũng trang bị kiến thức cho học sinh những nội dung cơ bản thuộc 7 lĩnh vực theo chương trình GDPT tổng thể 2018: Văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp. [4]
Sau khi được Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu, ngày 24/02/2023 Sở GDĐT Bình Thuận đã có công văn số 366/SGDĐT-GDTrH&CN-TX “về việc Hướng dẫn thực hiện Nội dung giáo dục địa phương năm học 2022-2023”. Từ thực tế biên soạn, ban hành tài liệu GDĐP lớp 10 tại tỉnh Bình Thuận cho thấy sự nỗ lực và trách nhiệm của nhóm tác giả biên soạn cũng như sự chỉ đạo kịp thời của các cấp. Đối với công tác chỉ đạo chuyên môn, Sở GDĐT Bình Thuận đã kịp thời xây dựng kế hoạch khung chương trình theo định hướng của Bộ GDĐT, phát hành tài liệu và nhanh chóng gửi về cho các trường THPT toàn tỉnh. Tổ chức tập huấn chuyên môn, gặp gỡ các tác giả viết sách để các thầy cô trường THPT nắm bắt cốt lõi chương trình, chia sẻ những băn khoăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện, tiến hành giảng dạy đảm bảo kế hoạch năm học.

Sau thời gian thực hiện tài liệu GDĐP lớp 10, chúng ta nhận thấy sự tích cực từ công tác biên soạn chỉ đạo (Sở GDĐT) đến quá trình thực hiện (Thầy và trò) và kết quả đạt được chính là sản phẩm con người (Học sinh). Tài liệu GDĐP lớp 10 mỗi một chuyên đề là một hoạt động trải nghiệm trong học tập. Nó góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất: Tình yêu quê hương xứ sở (Phẩm chất yêu nước); Biết yêu thương con người (Phẩm chất nhân ái); Tích cực học tập (Phẩm chất chăm chỉ); Sống ngay thẳng, thật thà (Phẩm chất trung thực); Biết vươn lên và cống hiến sức mình cho xã hội (Phẩm chất trách nhiệm). Và năng lực: tự học, tự rèn, sáng tạo, vận dụng ngôn ngữ, ứng dụng công nghệ phát triển bản thân…

Phát huy hơn nữa những mặt tích cực, trong năm học tới ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận sớm phát hành tài liệu GDĐP lớp 11; Ban hành hướng dẫn thực hiện kế hoạch dạy học; Tập huấn cho tất cả giáo viên trực tiếp giảng dạy; Xây dựng tài liệu tham khảo hoặc khoa tư liệu điện tử tham khảo đặc trưng môn học; Tài liệu hướng dẫn giảng dạy (nếu có);… Với những kết quả đạt được trong toàn ngành giáo dục tại tỉnh nhà, chắc chắn trong năm học tiếp theo chương trình GDĐP sẽ tiếp tục giúp học sinh tỉnh nhà có được những trải nghiệm thú vị, khám phá cái mới; Biết yêu quý, biết trân trọng tự hào và bảo vệ những giá trị truyền thống, vốn quý của lịch sử và những di sản mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương tỉnh Bình Thuận.

[*] Bài viết thể hiện suy nghĩa của GV trực tiếp giảng dạy GDĐP 10 
Người viết: NGUYỄN NGỌC BÌNH - GV trường THPT Nguyễn Thị  Minh Khai – tỉnh Bình Thuận
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang