Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận xây dựng đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2025 - 2030”
Trong
Nghị quyết số
88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Phê duyệt đề án tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030 đã nêu rõ quan điểm: “Rà soát,
sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên
quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, đồng
thời “đầu
tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu
tư cho phát triển bền vững đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
người dân...”, nên sự ra đời của các chương trình như
Chương trình 135, cùng các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục
tiêu về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất,
nước sinh hoạt; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết
việc làm… được quan tâm triển khai thực hiện, nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng dân
tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong những năm qua, cùng
với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Thuận
đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất,
tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là Tỉnh
ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các địa phương đã ban hành nhiều
chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục dân tộc thiểu số và miền
núi. Nhờ đó, diện mạo giáo dục các huyện dân tộc thiểu số và
miền núi của tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể, mạng lưới trường lớp, cơ sở
vật chất, thiết bị dạy học các trường học được tăng cường đầu tư,
thu hút học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ở các cấp học, bậc học đến
trường cao hơn, góp phần giảm thiểu tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển
khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc,
chính sách phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số và miền núi có nơi,
có lúc còn chậm trễ, thiếu đồng bộ, chưa sát với tình hình thực tế địa phương
nên hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất
trường, lớp tại một số điểm trường thuộc các huyện dân tộc thiểu số và miền núi
chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục (chưa được kiên cố hóa, thiếu công trình nước
sạch và trang thiết bị dạy học...); đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo
dục nhiều nơi còn thiếu và không ổn định. Bên cạnh đó, mặc dù đã được
ưu tiên, nhưng đồng bào vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nguồn lực ngân sách địa phương có hạn, chưa
đáp ứng được nhu cầu kinh phí đầu tư thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo;
một số chính sách đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số khó khăn vẫn còn hạn
chế, bất cập về đối tượng được hưởng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ
trợ…
Xuất phát từ tình hình thực tế
nêu trên, nhằm góp phần
ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc
phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc
thiểu số và miền núi, đảm bảo phát triển bền vững gắn liền với an sinh xã hội,
thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển, nâng cao mặt bằng
dân trí, đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng
đề án: “Hỗ trợ
phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận
giai đoạn 2025-2030”.
Để
có cơ sở báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xin chủ trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2025-2030, ngày
24/7/2024 Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2178/SGDĐT-KHTC về lấy ý kiến
góp ý việc xây dựng đề án hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có ý kiến góp ý về sự cần
thiết của đề án đối với nhu cầu thực tế của địa phương.Trong thời gian tới, sau
khi có ý kiến góp ý của các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét./.
Ngọc Hạnh – Văn phòng Sở (Tổng hợp)