image banner

Túi nylon - câu chuyện của hiện tại và tương lai
Lượt xem: 224

    Môi trường và bảo vệ môi trường ở thời đại nào, thời điểm nào cũng hết sức quan trọng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi trái đất của chúng ta đang đứng trước những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu,cạn kiệt tài nguyên…thì công việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của Chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bởi bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên là để phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe của con người (vì sức khỏe là vốn quí nhất của con người).

     Trong những ngày tháng này, vấn đề cá biển chết hàng loạt, ngập lụt, mưa bão ở miền Trung gây thiệt hại rất lớn về người và của; sạt lở đất, lũ quét ở miền bắc; hạn hán khốc liệt và kéo dài ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; nước mặn xâm nhập sâu vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đã, đang và sẽ là mối quan tâm sâu sắc của Chính phủ, toàn dân. Ở đây, chúng ta có thể thấy, có nhiều nguyên nhân gây ra các hiện tượng thiên tai nêu trên nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của con người. Bàn về vấn đề này, ngay từ rất sớm (vào giữa thế kỷ XIX), trong tác phẩm “Phép biện chứng của tự nhiên”, F. Ăng ghen đã cảnh báo về sự “trả thù” của của tự nhiên đối với con người khi con người coi mình là “kẻ thống trị” tự nhiên, hành động “bóc lột” tự nhiên một cách thái quá.

      Theo tính toán của các chuyên gia môi trường, mỗi năm, con người xả ra môi trường một lượng rác thải nhựa, nylon có thể quấn vòng quanh Trái đất bốn lần; còn theo số liệu thống kê năm 2017 của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng TP.Hồ Chí Minh (với hơn 14 triệu dân sinh sống), mỗi ngày thành phố đã sử dụng hơn 9 tấn túi nylon để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sinh hoạt. Từ con những con số “gây ấn tượng mạnh” trên, tôi muốn chia sẻ với mọi người một vấn đề môi trường rất đáng quan ngại “Túi nylon – câu chuyện của hiện tại và tương lai”.

       Sự ra đời và thực trạng sử dụng bao bì túi nylon ở Việt Nam.

      Bao bì là một sản phẩm đặc biệt dùng để bao gói, chứa đựng các loại sản phẩm khác nhằm bảo vệ giá trị sử dụng của các sản phẩm đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo quản, vận chuyển, xếp dỡ, tiêu thụ và tiêu dùng sản phẩm. Người ta sản xuất bao bì bằng nhiều chất liệu như: bằng giấy, carton, bìa, mây, nứa, tre đan, bao bì hàng dệt từ vật liệu là các loại sợi đay, gai, vải, hay bằng các vật liệu nhân tạo, tổng hợp như các loại bao bì được sản xuất từ chất liệu pôlime, cao su nhân tạo, màng chất dẻo, bao bì nhựa cứng,…Ngày 28/5/1935, nhà khoa học Mỹ - Wallace Hume Carothers đã ghi dấu ấn thế kỷ khi phát minh ra một loại hợp chất dẻo, với những phân tử nặng, siêu dài mang tên nylon. Nylon là một trong những polyme phổ biến nhất được sử dụng.

    Sau khi được ra mắt, túi nylon đã chiếm được cảm tình của nhân loại nhờ vào những ưu điểm nổi bật của mình (tính tiện dụng cao, lúc nào, ở đâu cũng có, đựng gì cũng được, có thể chống thấm, dễ dàng vận chuyển, nhất là trong trời mưa; giá mua rất rẻ, thậm chí xin cũng được; độ bền khá tốt, dùng đi dùng lại vẫn được; mẫu mã đẹp, nhiều kiểu dáng - đa dạng, màu sắc bắt mắt). Do tính tiện lợi, túi nylon đã trở thành một loại bao bì được ưa chuộng ở nhiều nước và cả ở Việt Nam, chúng được đưa vào sử dụng phổ biến và nhanh chóng đánh bật các loại bao bị có cùng chức năng khác. Ở nước ta, túi nylon thường được sản xuất, tái chế chủ yếu bằng công nghệ thủ công. Trong quá trình sản xuất, người ta trộn thêm nhiều loại hóa chất để làm tăng độ dẻo và bền của sản phẩm. Túi nilon được sử dụng ngày càng phổ biến, nhất là các chợ từ thành thị đến nông thôn, hay các quán bán hàng rong. Giờ đây, khi mua bất kỳ đồ vật gì, người mua luôn được phục vụ túi ni lông để bọc, gói, đựng, lót. Mua cá mua rau túi ni lông; mua sách, vở túi ni lông; mua bánh trái, quà cáp, thuốc men túi ni lông... Túi ni lông còn được dùng đựng đồ ăn thức uống nóng, lạnh, đựng các loại thực phẩm dạng lỏng để mang đi xa; đựng rác, các chất thải,…Cuộc sống có vẻ sẽ vô cùng khó khăn, bất tiện nếu như một ngày nào đó không còn túi nylon.

    Thế nhưng, theo thời gian, con người cũng dần phát hiện ra nhiều tác hại “ghê gớm” mà túi nylon mang lại cho cả sức khỏe lẫn môi trường tự nhiên bởi hàng loạt hàm lượng hóa học mà nó “đang mang”, nhất là loại túi nylon giá rẻ thì nguy cơ chứa chất độc hại lại gia tăng đáng kể. Vấn đề đặt ra ở đây là hầu hết ai cũng nhận thức được những tác hại của túi nylon song vì nhu cầu nên đại đa số dân chúng vẫn sử dụng túi nylon giá rẻ như một vật dụng không thể thiếu hàng ngày. Hơn nữa, túi nylon không gây ra căn bệnh chết người ngay tức khắc mà chúng âm ỉ như một ký sinh trùng nên con người phần lớn vẫn cứ thờ ơ với chúng.

    Tác hại việc sử dụng túi nylon tràn lan, không đúng cách.

    Các chất trong túi nilon bao gồm chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu,…là những độc chất cực kỳ nguy hiểm. Sau một thời gian tích tụ đủ lượng, chúng sẽ nhanh chóng quay sang tấn công cơ thể con người. Một số loại túi nilon được làm từ chất dẻo polyvinyl có các phân tử đơn lẻ polyvinyl có khả năng gây ung thư như chất clohydric gây tác hại cho não và ung thư phổi. Ngoài ra, ở Việt Nam, các chuyên gia cũng nhận thấy trong túi nilon còn có carbonat được trộn lẫn với hàm lượng trên 20%, trong khi đó mẫu của nước ngoài là 0%. Carbonat có nhiều trong sản phẩm sẽ làm tăng thêm hàm lượng kim loại nặng. Vì thế nên nếu dùng túi nilon để đựng thức ăn thì nguy cơ độc hại và nhiễm bệnh sẽ cao gấp nhiều lần. Về cơ bản, chúng ta có thể liệt kê ra được hàng loạt những tác hại vô cùng khủng khiếp của túi nylon (còn gọi là chất ô nhiễm trắng), cụ thể như:

    Đối với môi trường

    Bao nilon lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loại thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ, dẫn đến hiện tượng xói mòn đất đai, gây lũ quét, sạt lở đất; Làm tắc nghẽn các đường ống dẫn nước thải làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị vào mùa mưa; Hủy hoại cân bằng hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, dẫn đến tình trạng làm chết hàng loạt các vi sinh vật, động vật khi chúng nuốt phải. Trong môi trường tự nhiên của đất, nếu các dạng thực vật như cây cỏ, các loại trái cây mất từ 2-5 tuần để phân hủy, chiếc áo coton mất 2-5 tháng, miếng gỗ ép mất 1-3 năm thì túi nylon mất từ 400-600 năm mới có thể phân hủy được.

    Đối với sức khỏe con người.

    Bao bì nylon cùng với màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi gây tác hại cho não và nguyên nhân gây ung thư phổi. Khi đốt cháy Nylon, các khí thải ra đặc biệt là khí đi-ô-xin có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, ho ra máu ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh; Nguy hiểm hơn, túi ni-lông gây ung thư, biến đổi giới tính, bởi vì những chất phụ gia được dùng để tạo độ dẻo, dai ở túi ni-lông có khả năng gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70-80 độ C, phụ gia chứa trong túi ni-lông sẽ hòa tan vào thực phẩm. Trong đó chất phụ gia hóa dẻo TOCP có thể làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống; chất BBP có thể gây độc cho tinh hoàn và gây một số dị tật bẩm sinh nếu thường xuyên tiếp xúc với nó. Nếu sử dụng túi ni-lông để đựng các thực phẩm chua có tính a-xít như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng, các chất hóa dẻo trong túi ni-lông sẽ tách khỏi thành phần nhựa và gây độc cho thực phẩm. Khi ngấm vào dưa chua, a-xít lactic ở trong dưa, cà sẽ hòa tan một số kim loại thành muối thủy ngân có thể gây ung thư.

    Biện pháp khắc phục, hạn chế những tiêu cực do việc sử dụng túi nylon.

    Trước nguy cơ báo động về việc tác tại nguy hiểm khôn lường của việc sự dụng túi nylon bừa bãi, không đúng cách, chính phủ các nước đã và đang tìm kiếm những biện pháp ngăn chặn, cắt giảm lượng tiêu thụ loại túi này. Với thế giới, bắt đầu từ năm 1993, Đan Mạch đã tiến hành áp dụng thuế sử dụng túi nilon. Cho đến nay, trung bình mỗi người Đan Mạch chỉ sử dụng khoảng 4 túi nilon/năm. Bên cạnh việc áp dụng hình thức đánh thuế hoặc trả phí khi sử dụng, nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, Pháp, Đức… đang thực hiện việc thay thế túi nilon bằng cách dùng túi chế tạo từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc thực vật, dễ phân hủy như bột khoai tây, cám ngô hay giấy…Một số quốc gia ở châu Phi như: Uganda, Kenya, Tanzania cũng có những động thái cấm nhập khẩu, sản xuất, tăng thuế đối với túi nhựa nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường. Đồng thời, để ngăn chặn ảnh hưởng của túi nylon đến sức khỏe của con người, các chuyên gia khuyên người dân thay đổi thói quen sử dụng bao bì khác loại như túi giấy, hộp giấy. Các doanh nghiệp sản xuất túi nilon, in túi nilon giá rẻ nên sử dụng các nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn cho cơ thể cũng như lắp đặt công nghệ xử lý chất thải để không làm cho môi trường bị “phá hủy” (tiêu biểu như ở Ấn Độ, doanh nhân Asthwash Hedge đã sáng chế sinh ra loại túi hữu cơ được làm từ khoai tây và tinh bột sắn, có thể tự phân hủy và thân thiện với môi trường. Điều đặc biệt là những chiếc túi này có độ bền và mang đến cảm nhận giống y như chúng ta đang sử dụng túi nylon. Tuy giá thành của nó cao hơn khoảng 35% so với gía của túi nylon thường nhưng hiệu quả của nó thì rất lớn).

    Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt;  trên tinh thần đó, chúng ta cũng đã có những chương trình hành động mang tên “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường” chính thức được khởi động từ năm 2009 và sau đó là hàng hoạt các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động người dân từ bỏ thói quen sử dụng túi Nylon, khuyến khích, vận động người dân sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường; Bên cạnh đó, nhà nước cũng có những hình thức trợ giá thông qua luật định (Khoản 6, Điều 5; Mục c, khoản 2, Điều 111, Luật Bảo vệ môi trường 2005 và được cụ thể hóa tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT) nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường để phục vụ khách hàng. 

    Đây là những động thái tích cực của Nhà nước trong cuộc hành động hạn chế túi Nylon nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt được hiệu quả thì điều cần nhất là nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong tiêu thụ và sử dụng những sản phẩm túi nylon. Trước hết là sự thay đổi từ nhận thức đến thói quen: thông qua việc tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể người dân về những tác hại của túi nylon đến môi trường sống và sức khỏe con người để từ đó vận động người dân từ bỏ những thói quen cũ, hình thành những thói quen mới như là sử dụng những chiếc túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng quá nhiều túi nylon khi đi chợ, mua sắm, tái sử dụng túi nylon, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn…

    4. Kết luận

    Người xưa có câu “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận” hay “Lợi một phút, hại trăm năm”, “Hái quả phải giữ cành. Có giữ cành chắc thì cây không bị chột, mới thu được nhiều lứa”, chính vì thế, thay đổi suy nghĩ, tạo nên hành động, hình thành thói quen, xây dựng những điều tốt đẹp. Đó là một chuỗi những quy luật tất yếu để có thể cải thiện một điều gì đó trở nên tốt hơn. Và tất cả đều bắt nguồn từ suy nghĩ của chính mỗi người.

    Để công tác bảo vệ môi trường đi vào thực tế, tôi thiết nghĩ cần phải làm ngay những việc sau:

    1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu, triệt để hơn để ngăn chặn, xử lý, giải quyết những vấn đề bức xúc về tài nguyên, môi trường;

    2. Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải nêu gương đi đầu trong thực hành đạo đức công vụ, cần tích cực đẩy mạnh khâu tuyên truyền thật sâu và rộng khắp về môi trường và bảo vệ môi trường trong nhận thức đến tận người dân, đến các nhà máy, xí nghiệp để mọi người hiểu và chấp hành một cách triệt để.

    3. Các đoàn thể chính trị, xã hội phải tập huấn kiến thức về môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường để cho mỗi đoàn viên, hội viên thực sự trở thành là những tuyên truyền viên tích cực về môi trường và bảo vệ môi trường; thực hiện nhiệm vụ cùng với nhân dân, cộng đồng các khu dân cư, các nơi công cộng tích cực bảo vệ môi trường;

    4. Cần biểu dương những việc làm tốt đối với những cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; ngược lại cũng cần có sự phê bình và kiên quyết xử lý những cá nhân, tập thể có những hành vi gây ô nhiễm môi trường và không có thái độ trong công tác bảo vệ môi trường như xả rác, xả chất thải bừa bãi ra đường, ra phố, xuống lòng sông,…

    5. Mỗi chúng ta hãy tự biết bảo vệ chính mình và gia đình, hãy là những người tiêu dùng thông minh biết lựa chọn những chiếc túi đựng hàng thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý và tiêu hủy đúng cách. “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, hãy “Hạn chế sử dụng túi nylon” trong những thói quen sinh hoạt hằng ngày và trong cuộc sống. Vì đó là tương lai của chính bạn, con em của mình và của cả nhân loại.

Ngọc Hạnh (Văn phòng Sở)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang