Ngày 27/8, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT),
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn làm việc với tổ chức STEAM for Vietnam về chương
trình đào tạo AI cho giáo viên.
STEAM for Vietnam là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập chủ
yếu bởi du học sinh người Việt làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ và các
nơi trên thế giới.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì buổi làm
việc
Tiến sĩ Trần Việt Hùng - Founder STEAM for Vietnam cho biết, với
những tâm huyết cùng giáo dục Việt Nam, STEAM for Vietnam hướng tới giúp học
sinh, sinh viên trở thành công toàn cầu. Nếu trẻ em ở Việt Nam đều có cơ hội
tiếp cận STEAM từ sớm, các em cũng có thể đạt được những thành công lớn.
STEAM for Vietnam tập trung nghiên cứu Generative AI (GenAI).
GenAI có thể giúp giáo viên mở khóa các tiềm năng, hỗ trợ giáo viên trong việc
lên ý tưởng, lên kế hoạch giảng dạy chi tiết, chấm bài và nhận xét chi tiết cho
từng học sinh. trợ giảng và gia sư cho học sinh, dịch nội dung ngôn ngữ khác
tạo ra nội dung giảng dạy phong phú và cá nhân hóa.
Theo Tiến sĩ Trần Việt Hùng, ứng dụng của GenAI trong giảng dạy
ở Việt Nam hiện còn mới mẻ và chủ yếu do giáo viên chủ động tiếp cận ở mức độ
cá nhân. Tuy nhiên, các giáo viên rất hào hứng với học kiến thức mới và ít
nhiều đã ứng dụng vào các công việc hàng ngày. STEAM for Vietnam và các đối tác
lần đầu đưa ra một chương trình GenAI dành cho giáo viên một cách có hệ thống.
Chương trình mở khóa tiềm năng của giáo viên với GenAI cùng đội ngũ giảng viên
chất lượng cao, là kỹ sư đang làm việc trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo trên
khắp thế giới, chỉ trong 6 bài học: Kỹ thuật viết Prompt chuẩn và soạn kế hoạch
bài giảng cùng GenAI; lên nội dung bài giảng chi tiết cùng chat GPT và nhận
biết các vấn đề của GenAI; thiết kế cốt truyện, nhân vật game 2D và slide bài
giảng sáng tạo cùng GenAI; tạo ma trận, đề kiểm tra và đánh giá học sinh cá
nhân hóa dễ dàng với Gen AI; tự động hóa các công việc hàng ngày với trợ lý AI
và phương pháp RAG; kỹ thuật prompt nâng cao, sử dụng AI có trách nhiệm và đạo
đức khi sử dụng AI.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng - Founder STEAM for
Vietnam trao đổi tại buổi làm việc
Hiện tại, đây là chương trình đầu tiên trên thế giới, quy mô
quốc gia về phổ cập GenAI cho giáo viên. Tại Việt Nam, đã có hơn 8000 thầy cô
đăng ký từ 63/63 tỉnh thành, với hơn 4.300 trường học. Điều đặc biệt, sau khóa
học, các thầy cô sẽ trở thành những người truyền đạt, hướng dẫn cho những đồng
nghiệp của mình.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT đã
trao đổi, đề xuất một số nội dung nghiên cứu, hợp tác trong việc ứng dụng trí
tuệ nhân tạo trong giáo dục.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, triển khai
Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo
dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ GDĐT đã ban
hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp
Tiểu học và kế hoạch về việc tập huấn triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công
dân số ở cấp Tiểu học.
Theo đó, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị triển khai, tổ chức tập
huấn và thực hiện thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học tại 10
tỉnh, thành phố. Vì vậy, theo Vụ trưởng Thái Văn Tài, 6 bài học trong chương
trình mở khóa tiềm năng của giáo viên với GenAI của STEAM for Vietnam nếu được
hoàn thiện phù hợp sẽ là nguồn tài liệu quý giá cho các trường triển khai thực
hiện tốt.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành mong muốn,
chương trình sẽ thực sự hữu ích và đi đường dài, từ khởi đầu thuận lợi, có thể
phục vụ trực tiếp, thiết thực cho đội ngũ nhà giáo. Ít nhất trong thời gian đầu
tiên, phải để cho người giáo viên hiểu được về công cụ AI, từ đó vận dụng hiệu
quả lâu dài, tránh việc chỉ thỏa mãn những hiếu kỳ ban đầu.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT tại buổi làm
việc
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, hiện
nay, Cục đang xây dựng khung năng lực số cho đội ngũ giáo viên. Vì vậy, Chương
trình mở khóa tiềm năng của giáo viên với GenAI cần xây dựng một chương trình
chung nhất, để đáp ứng triển khai với giáo viên trong thời đại công nghệ số. Từ
đó, mỗi thầy cô ở từng bộ môn sẽ sáng tạo để vận dụng cho phù hợp với môn học
của mình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn
cho biết, hiện nay, ngành Giáo dục đang tích cực thúc đẩy các hoạt động STEAM
và trí tuệ nhân tạo trong các trường học cho học sinh, sinh viên. Và đặc biệt
là đào tạo cho đội ngũ giáo viên, giảng viên để có kỹ năng, kiến thức cần thiết
trong khai thác công cụ trí tuệ nhân tạo, giúp ích cho việc dạy và học.
Thứ trưởng mong muốn các bên liên quan cùng trao đổi, đưa ra các
chương trình phù hợp nhất, thực hiện tại một số địa phương, lựa chọn giáo viên
chủ chốt tham gia. Các giáo viên sau khi được học chương trình sẽ xây dựng các
chuyên đề về nội dung này, như là những học liệu mẫu. Từ đó, mỗi thầy cô giáo
sẽ cùng sáng tạo, và khi nhiều người cũng tham gia sẽ có được kho tài liệu
phong phú.
Để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục thực sự hiệu quả,
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ GDĐT cần có chiến lược, nghiên cứu để
khai thác, ứng dụng đưa AI vào trong giáo dục; xác định lộ trình, các nhiệm vụ
phải làm, các sản phẩm tạo ra; hoàn thiện hành lang pháp lý về đạo đức, an
toàn, an ninh AI; hoàn thiện những yêu cầu về năng lực của đội ngũ nhà giáo,
học sinh; xây dựng chương trình học liệu.
Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ giáo
viên, hỗ trợ các chủ đề để đưa vào các bài tập cho học viên tham gia, xây dựng
bài giảng cho các môn học, tự giáo viên sẽ đưa ra đề xuất; đưa vai trò của AI
vào khung năng lực số, nhất là AI tạo sinh; nghiên cứu thêm một số lĩnh vực có
thể áp dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục…
Chia sẻ bài viết:
Nguồn tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo