Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo nguy cơ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền
Đã có hệ thống
thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam bị mã độc tống tiền tấn công, gây gián đoạn hoạt động và thiệt
hại về vật chất, uy tín.
Các tổ chức,
doanh nghiệp được khuyến nghị tăng cường nhiều biện pháp đảm bảo an toàn hệ
thống thông tin của mình - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Tối 30-3, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền
thông) cho biết đã phát hiện xu hướng tấn công mạng, đặc biệt là tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware)
tăng cao.
Một số hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh
nghiệp tại Việt Nam được ghi nhận đã bị tấn công, gây gián đoạn hoạt động và
thiệt hại về vật chất, hình ảnh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cũng
như hoạt động bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia.
Trong công văn vừa gửi đến rất nhiều cơ quan, sở, bộ,
ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng… Phó cục trưởng
Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa đề nghị các đơn vị tiến hành rà soát và
triển khai ngay một loạt biện pháp nhằm bảo đảm an
toàn thông tin mạng.
Từ nay đến trước ngày 15-4, cần rà soát, tăng cường giải
pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin, ưu tiên các giải
pháp giám sát, cảnh báo sớm.
Các tổ chức phải thực hiện kiểm tra, đánh giá đảm bảo
an toàn thông tin các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý. Trong trường hợp
phát hiện nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu, cần lập tức triển khai biện pháp khắc phục,
đặc biệt là các hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân.
Các đơn vị còn được yêu cầu phải xây dựng kế hoạch triển
khai hoàn thành quy định bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, bảo đảm
100% hệ thống đang vận hành phải được phê duyệt cấp độ an toàn chậm nhất trong
tháng 9-2024.
Trước nguy cơ bị tấn công mạng đang tăng cao, các tổ
chức phải nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp và duy trì
liên tục, ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn
không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin.
Song song đó là kế hoạch ứng phó sự cố, phương án sao
lưu định kỳ hệ thống và dữ liệu quan trọng để kịp thời khôi phục khi bị tấn
công mã hóa dữ liệu. Đồng thời cập nhật các bản vá, rà soát để phát hiện kịp thời
các lỗ hổng
bảo mật, điểm yếu đang tồn tại trên hệ thống…
Bên cạnh đó các tổ chức, doanh nghiệp cần tiến hành định
kỳ săn lùng mối nguy hại để phát hiện kịp thời các dấu hiệu hệ thống bị xâm nhập.
Đối với hệ thống đã phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, sau khi khắc phục lỗ
hổng, cần thực hiện ngay việc săn lùng mối nguy hại nhằm xác định khả năng bị
xâm nhập trước đó.
Nguồn: Đức Thiện – Báo Tuổi trẻ online