Để phát triển nội dung học liệu số ở nước ta trong thời gian tới được thiết thưc, hiệu quả, một số giải pháp chính đề xuất như sau:
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển học liệu số, (có thể xây dựng đề án phát triển học liệu số) trong đó tập trung vào:
(i) Xây dựng quy hoạch trong phạm vi toàn quốc về phát triển học liệu số (như quy hoạch theo vùng, theo lĩnh vực, theo trình độ, kho học liệu số dùng chung và các kho học liệu số dùng riêng) tránh phát triển trùng lắp, lãng phí; Quy định về phân loại và tiêu chí đánh giá chất lượng của học liệu số (đặc biệt là tiêu chí về sự phù hợp giữa nội dung học liệu với chương trình giáo dục đào tạo, đối với giáo dục phổ thông là chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiêu chí về sự hài lòng của người học - lấy người học làm trung tâm); ban hành tiêu chuẩn đối với học liệu số, chuẩn chương trình học trực tuyến, chuẩn bài giảng số nhằm nâng cao chất lượng học liệu, kích cầu sử dụng, qua đó tạo động lực phát triển học liệu số;
(ii) Quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, về chia sẻ học liệu số (nội dung chia sẻ, đối tượng chia sẻ, mức độ chia sẻ), phân cấp kiểm duyệt nội dung học liệu số và kèm theo các chế tài nghiêm khắc;
(iii) Quy định kỹ thuật của các học liệu số (chuẩn học liệu số, chuẩn kết nối chia sẻ học liệu số), quy định việc kết nối chia sẻ giữa các kho học liệu số (thư viện số), quy định việc đóng góp học liệu số của cá nhân (nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm), cơ chế khai thác sử dụng chung;
(iv) Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển học liệu số như ưu tiên sử dụng học liệu số sản xuất trong nước, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển nội dung học liệu số;
(v) Xây dựng quy định tạo sự cạnh tranh công bằng giữa học liệu số sản xuất trong nước và học liệu số nước ngoài, tránh tình trạng “bảo hộ ngược”, đặc biệt là các học liệu môn ngoại ngữ.
Thứ hai, xây dựng và triển khai cơ chế tài chính khuyến khích phát triển học liệu số, bao gồm:
(i) Cơ chế khuyến khích, hỗ trợ (mồi) của Nhà nước (như thông qua phát động các phong trào thi đua, tôn vinh, khen thưởng);
(ii) Cơ chế huy động sự đóng góp học liệu từ đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học và HSSV (như tạo môi trường để cộng đồng đánh giá - ratting, cơ chế trả phí khi sử dụng học liệu chất lượng cao);
(iii) Cơ chế huy động nguồn lực đầu tư của các cơ sở GDĐT, nhất là các cơ sở giáo dục đại học;
(iv) Cơ chế huy động nguồn xã hội hóa từ các tập đoàn, DN tham gia phát triển học liệu số, xây dựng duy trì vận hành các nền tảng, hạ tầng thu thập, lưu trữ, chia sẻ học liệu số.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát triển nội dung học liệu số, trong đó: (i) Nhập khẩu học liệu số trực tiếp hoặc gián tiếp từ nước ngoài; (ii) Triển khai các hình thức kết nối, truy cập khai thác kho học liệu số của các cơ quan, tổ chức nước ngoài; (iii) Việt hóa các học liệu số nước ngoài từ nhiều thứ tiếng khác nhau đáp ứng yêu cầu người học trong nước.
Thứ tư, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng thiết kế học liệu số và kỹ năng khai thác sử dụng học liệu số, trước hết bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, HSSV làm hạt nhân phát triển học liệu số và tạo thị trường thúc đẩy phát triển học liệu số.
Thứ năm, huy động và hỗ trợ các tập đoàn, DN công nghệ đầu tư phát triển các hệ thống ứng dụng, thúc đẩy tạo học liệu số thứ cấp trên cơ sở kho học liệu số sẵn có, đó là các hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống phân tích dữ liệu lớn (data analytics), hệ thống trợ lý ảo, học máy; gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và DN để phát triển nội dung học liệu số sát với yêu cầu đào tạo, bảo đảm tính sư phạm, nâng cao hiệu quả của học liệu số.
Trong bối cảnh CĐS ở nước ta, nhu cầu học liệu số tăng nhanh trong khi đa số các DN phát triển học liệu số đều là DN vừa và nhỏ, lợi nhuận thấp, dễ bị tổn thương khi hội nhập. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN về thủ tục đăng kí kinh doanh, miễn giảm thuế, hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ưu tiên sử dụng học liệu số sản xuất trong nước để tạo điều kiện cho DN tham gia phát triển học liệu số.
Thứ sáu, phát triển kho học liệu số dùng chung quốc gia và khóa học đại chúng trực tuyến mở (MOOCs) từ nguồn lực xã hội hóa, trong đó xây dựng cơ chế huy động sự tham gia đóng góp và cùng khai thác của cộng đồng; thường xuyên tuyên truyển, nâng cao chất lượng học liệu, tạo thuận lợi để nhiều người học biết, tham gia sử dụng và đóng góp học liệu. Kho học liệu số dùng chung quốc gia do Bộ GDĐT quản lý, ở giai đoạn đầu học liệu được tuyển chọn từ các trường, phòng giáo dục, sở giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học và được chiasẻ dùng cho tất cả các cấp học, ngành học, môn học phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học. Kho học liệu số trước tiên phục vụ toàn ngành GDĐT, tránh phát triển học liệu trùng lắp, lãng phí và đồng thời phục vụ cộng đồng, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách về cơ hội học tập giữa các vùng miền.
Thứ bảy, phát triển hạ tầng số đến các đối tượng người học ở các vùng miền trên cả nước, tạo thị trường góp phần thúc đẩy công nghiệp nội dung số nói chung và học liệu số nói riêng, bao gồm hạ tầng đường truyền và hạ tầng thiết bị đầu cuối (smartphone, máy tính kết nối mạng) cho người học./.