Học liệu số - tài nguyên số phục vụ dạy và học trong CĐS GDĐT
Lượt xem: 219

Thuật ngữ học liệu số (Digital Learning Material, Digital Educational Resources hay Digital Learning Resources - DLR) hiện được dùng theo nhiều cách khác nhau song hành cùng với các thuật ngữ gần như học liệu điện tử, học liệu mở.

Anh-tin-bai

Ảnh minh họa

Có tác giả mô tả DLR là phương tiện dùng cho mục đích dạy - học thông qua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin - truyền thông (ICT); học liệu này có thể gắn âm thanh, hình ảnh và dùng được cho các dạng thức học tập khác nhau. Theo định nghĩa này học liệu số gồm nội dung số và công cụ số (ví dụ như các nền tảng số hay thiết bị phần cứng) - mặc dù trên thực tế nhiều khi nội dung số được tích hợp sẵn (inbuilt) vào các công cụ số ngay từ khâu chế tạo, phát triển [3].

Cũng có tác giả định nghĩa DLR là tổng hợp các nguồn học liệu khác nhau dùng trên mạng máy tính, bao gồm tất cả các nguồn học liệu dưới dạng dữ liệu điện tử lưu trữ âm thanh, hình ảnh, văn bản và được lưu trữ bằng các cách khác nhau như đĩa từ, đĩa quang học, thẻ nhớ (USB) cũng như các dạng lưu trữ phi giấy tờ khác; được truyền đưa hoặc tái tạo nhờ máy tính, thông qua môi trường mạng hoặc thiết bị đầu cuối. Hoặc là, DLR là các nguồn thông tin đa phương tiện được sắp xếp phù hợp với các đối tượng người học khác nhau, chạy trên môi trường máy tính hoặc môi trường mạng, có thể chia sẻ rộng rãi [6].

Bài viết này xem xét thuật ngữ DLR từ góc độ là tập hợp các tài nguyên số phục vụ dạy và học, tập trung vào nội dung số (nội dung học liệu số).

So với học liệu truyền thống, học liệu số có nhiều ưu điểm vượt trội như có thể tích hợp âm thanh, hình ảnh hay các đoạn phim, trò chơi điện tử, đoạn clip mô phỏng sinh động với nhiều màu sắc và hiệu ứng phong phú; dễ dàng chia sẻ đến các đối tượng, nhóm đối tượng khác nhau thông qua môi trường mạng, xóa bỏ rào cản về không gian, giúp người học dễ dàng tiếp cận từ đó thu hẹp khoảng cách về cơ hội học tập giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, miền núi, hải đảo; có thể lưu trữ, sắp xếp, tìm kiếm, tái sử dụng dễ dàng, nhanh chóng chính xác; cùng với sự phát triển của công nghệ các học liệu số, bài giảng elearning có tính tương tác ngày càng cao và cá nhân hóa cho nhiều đối tượng người học khác nhau.

Ngày nay, công nghệ thực tế ảo (AR/VR) - là 1 trong 12 công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - đang hỗ trợ tạo ra những học liệu số mới, cho phép nhận thức dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, học liệu số cũng bộc lộ một số yếu điểm về an toàn thông tin như có thể bị phá hủy, bị thay đổi nội dung hoặc bị lộ lọt do tin tặc tấn công và các vấn đề về sở hữu dữ liệu cũng như lệ thuộc vào các điều kiện đảm bảo như hệ thống kỹ thuật (nguồn điện, máy chủ, đường truyền).

Người ta thường phải sử dụng các công cụ số (phần mềm, nền tảng) để sản xuất ra học liệu số. Có thể tạo ra học liệu số từ các phần mềm thông dụng, đơn giản như tạo các tệp văn bản, tệp trình chiếu, bảng tính, hình ảnh, âm thanh, video phục vụ dạy-học, cho đến các phần mềm chuyên dụng hoặc kết hợp nhiều công cụ khác nhau để tạo ra học liệu số.

Chẳng hạn việc xây dựng một bài giảng elearning bao gồm nhiều công đoạn, sử dụng kết hợp nhiều phần mềm từ ghi âm, ghi hình cho đến các ứng dụng trình chiếu, tạo hiệu ứng, câu hỏi tương tác và đóng gói. Thực tế có nhiều nền tảng giúp xây dựng và quản lý học liệu số chuyên dụng như các LCMS (Learning Content Management System) cung cấp kho “nguyên liệu” và công cụ để xây dựng bài giảng số hoàn chỉnh theo nhu cầu, đáp ứng chuẩn chung dùng trong các hệ thống quản lý học tập LMS phổ biến (như MozaLearn).

Học liệu số không chỉ được tạo ra tuần tự từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng mà có thể được tạo ra một cách thứ cấp từ các học liệu số có sẵn. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu, mua (gồm cả mua quyền truy cập), mượn học liệu số từ các kho học liệu, các thư viện số nước ngoài cũng góp phần tạo ra các học liệu số trong nước (nhiều học liệu số được Việt hóa từ kho học liệu do nước ngoài cung cấp)./.

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang