Thông báo kết luận phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu bộ trưởng,
trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn
hơn, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia.
‘3 tăng cường’ và ‘5 đẩy mạnh’
trong chuyển đổi số quốc gia
Ngày 6/5, Văn phòng Chính phủ đã
ra thông báo kết luận phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá: Chuyển đổi số đã
"đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" trong quá trình phát triển
chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nhất là trong cuộc sống của nhân dân và
hoạt động của doanh nghiệp. Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác chuyển đổi số quốc
gia đã đạt được một số kết quả tích cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy
ban.
Ảnh: VPG/Nhật Bắc
Cùng với việc chỉ rõ 6 kết quả nổi
bật, 5 tồn tại hạn chế, 5 bài học kinh nghiệm cùng 5 quan điểm phát triển kinh
tế số, trong kết luận phiên họp, Thủ tướng cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp
trọng tâm thời gian tới.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng,
trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn
hơn, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, phát
triển kinh tế số, với tinh thần ‘3 tăng cường’ và ‘5 đẩy mạnh’.
Trong đó, tinh thần ‘3 tăng cường’
gồm: Tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số
tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; Tăng cường tiềm lực
cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực;
Tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy
động mọi nguồn lực xã hội.
Tinh thần "5 đẩy mạnh"
bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy
chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số,
nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; Đẩy mạnh đổi mới
sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ
năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; Đẩy mạnh an toàn thông tin mạng,
an ninh mạng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo
vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Tăng ít nhất 5 bậc chỉ số phát
triển Chính phủ điện tử của Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng
yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi
số và các nhiệm vụ trong Đề án 06, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải
pháp trọng tâm.
Theo đó, các bộ, cơ quan, địa
phương được yêu cầu khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số trước ngày
10/5/2024, bảo đảm hoạt động mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả.
Ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm
hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3
chiến lược về phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phát
triển dữ liệu số; Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng
trong giai đoạn 2022 - 2023.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ,
cơ quan, địa phương nghiên cứu kinh nghiệm của Bộ Công an về triển khai Đề án
06, xây dựng đề án chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm kết nối với
Đề án 06 trong nửa đầu năm nay; Tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo
đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, an ninh cho người dân đối với các hệ
thống thông tin trong phạm vi quản lý theo hướng dẫn của 3 bộ Công an, Quốc
phòng, TT&TT...
Các địa phương cần phối hợp chặt
chẽ với các doanh nghiệp viễn thông, điện lực xóa bỏ các vùng lõm sóng di động
tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; tiếp
tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động.
Các bộ, cơ quan, địa phương được yêu cầu tổng rà soát,
đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng của các hệ thống
thông tin thuộc phạm vi quản lý. Ảnh minh họa: H.Quân
Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT
triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm Chỉ số phát triển Chính
phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc tăng ít nhất 5 bậc và
Chỉ số an toàn an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế thuộc
nhóm 30 nước dẫn đầu.
Bộ TT&TT cũng cần sớm hoàn
thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5/2024 về Chiến lược
phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện,
báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; Hoàn
thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử
(sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi) đúng tiến độ; Hoàn thành việc sửa đổi, bổ
sung Nghị định 73 năm 2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn
vốn ngân sách Nhà nước trong tháng 5; Nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản
hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh; Xây dựng cơ chế, công cụ đo
lường, giám sát việc triển khai kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển
đổi số.
Nguồn: Vân Anh - https://vietnamnet.vn/