image banner

Đảm bảo an toàn khi sử dụng dịch vụ đưa đón trẻ tại nhà
Lượt xem: 626

    Trong những ngày gần đây, người dân không khỏi xót xa khi nghe tin bé trai 5 tuổi tại trường mầm non ở Thái Bình tử vong trên xe đưa đón. Lại một lần “bất cẩn” của cô giáo mầm non.

anh tin bai

Cần đảm bảo an toàn khi đón – trả trẻ bằng dịch vụ xe ô tô

    Đây không phải là vụ việc đau lòng duy nhất xảy ra. Trước đó, vào năm 2019, người dân không khỏi xót xa khi chứng kiến vụ bé trai 6 tuổi tại Hà Nội bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Cứ tưởng rằng những sự tắc trách ấy sẽ không xảy ra khi các trường mầm non đã được cảnh báo và nhắc nhở thường xuyên trong các đợt tập huấn, kiểm tra. Tuy nhiên, sự vô ý của giáo viên đã phải trả cái giá quá đắt cho bản thân mình và gia đình nạn nhân.

    Để không phải xảy ra những vụ việc đau lòng như trên, các trường phổ thông nói chung, trường mầm non nói riêng cần nêu cao trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ từ nhà đến trường và từ trường về nhà (đối với các cơ sở có dịch vụ đưa đón trẻ tại nhà); trong đó cần chú trọng một số nội dung như sau:

    Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kĩ năng và các quy định pháp luật về an toàn giao thông cho đội ngũ viên chức quản lí, giáo viên mầm non hoặc nhân viên phụ trách đưa đón trẻ tại nhà, cụ thể một số quy định an toàn khi ngồi trên xe ô tô, kĩ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kĩ năng xử lí tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp (cách mở cửa lên/xuống xe, bấm còi gây sự chú ý cho người khác, phát tín hiệu kêu cứu bằng âm thanh, ánh sáng, kí hiệu, sử dụng búa thoát hiểm trên xe…).

    Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đón đưa trẻ bằng xe ô tô, trong đó cần có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình trẻ; có giải pháp tối ưu để thông báo cho gia đình khi trẻ đã được đến trường (hoặc về nhà) an toàn, đồng thời cần thông báo kịp thời cho gia đình khi trẻ vắng mặt chưa rõ lí do để ngăn chặn kịp thời những trường hợp nguy hiểm xảy ra.

    Thiết lập kênh thông tin tiếp nhận ý kiến phản ánh của cha mẹ về chất lượng dịch vụ đưa đón trẻ; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án an toàn giao thông trong khu vực trước cổng trường để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

    Đối với giáo viên, nhân viên có nhiệm vụ đưa đón trẻ trên ô tô cần lưu ý:

    + Điểm danh trẻ mỗi lần lên xe và xuống xe (có sổ theo dõi số lượng hằng ngày, hằng tuần);

    + Sau khi đưa trẻ vào trường, cần lên xe kiểm tra lại lần cuối xem trẻ nào chưa xuống hoặc để quên đồ trên xe;

    + Sau khi trả trẻ cuối cùng, cần kiểm tra xem trẻ có để quên đồ trên xe không; nếu có, cần liên hệ cha mẹ trẻ để gửi lại cho các con;

    + Khi đi xe, nếu thấy có trường hợp bất thường thì báo ngay với viên chức quản lí nhà trường để chấn chỉnh kịp thời.

    Đối với giáo viên trực tiếp quản lí phải điểm danh đầu ngày và thường xuyên trong ngày, báo cáo sĩ số theo đúng quy định của trường, nếu có trẻ vắng mặt cần báo ngay cho nhà trường và cha mẹ trẻ.

    Đối với trẻ: cha mẹ và giáo viên cần dạy trẻ một số cách tự cứu mình, cụ thể:

    + Giữ bình tĩnh khi sự việc xảy ra để tìm cách thoát thân;

    + Mở lẫy cửa ô tô từ phía trong;

    + Tìm sự giúp đỡ: bấm còi xe, bấm đèn khẩn cấp, tìm thiết bị điện thoại để liên lạc;

    + Dùng vật nặng để đập thật mạnh vào cửa, hét thật to để người bên ngoài nghe thấy hoặc dùng búa thoát hiểm để có đầu nhọn gõ mạnh vào cửa kính.

    Các cơ sở giáo dục mầm non cần xây dựng kế hoạch, quy trình đón – trả trẻ bằng dịch vụ xe đưa đón tại nhà; đồng thời thường xuyên nhắc nhở giáo viên, nhân viên nâng cao trách nhiệm trong công việc để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ từ nhà đến trường và từ trường về nhà.

Mỹ Hằng

Phòng MN&TH

Tin khác
1 2 3 4 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang