Đảm bảo an toàn trong hoạt động đón - trả trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non
Gần đây, trên các
trang Báo điện tử, mạng xã hội có nhiều tin bài xôn xao về sự việc người lạ mặt
đến các cơ sở mầm non, tiểu học đón trẻ dù ba mẹ không nhờ cậy. Đây được coi là
hồi chuông cảnh báo giúp quý bậc phụ huynh quan tâm hơn đến trẻ và giúp các cơ
sở giáo dục thận trọng hơn trong công tác đón - trả trẻ tại các cơ sở giáo dục,
nhất là đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Đón trẻ
là công việc hằng ngày giúp giáo viên tiếp xúc với từng trẻ và phụ huynh, tạo
cho trẻ và phụ huynh tâm lí an tâm, gần gũi, gắn bó với giáo viên, với nhóm, lớp,
từ đó trẻ hứng thú muốn đến lớp mỗi ngày. Đây cũng là thời điểm giúp giáo viên
nắm được tình hình sức khỏe, cảm xúc, tâm lí của trẻ, mong muốn của phụ huynh để
từ đó xác định các biện pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp với từng trẻ.

Buổi chiều,
khi cha mẹ đến đón, giáo viên hướng dẫn trẻ tự cất đồ chơi đúng nơi quy định,
chào cha mẹ, chào cô, chào các bạn trước khi ra về. Thông qua hoạt động trả trẻ,
giáo viên trao đổi với cha mẹ, gia đình về một số thông tin cần phối hợp trong
ngày về trẻ cũng như một số hoạt động của nhóm, lớp cần có sự phối hợp với gia
đình.
Hoạt động
đón - trả trẻ được xem là hoạt động quan trọng giúp giáo viên và cha mẹ có sự
phối hợp tốt trong chăm sóc - nuôi dưỡng - giáo dục trẻ tại trường.
Để thực
hiện tốt và đảm bảo an toàn cho trẻ khi đón - trả, các cơ sở giáo dục mầm non cần
thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với nhà trường
- Cần thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư 45/2021/TT-BGDĐT
ngày 31/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng trường học an toàn,
phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; Thực hiện hiệu quả
bộ quy tắc ứng xử theo quy định; Chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá các
tiêu chuẩn về an toàn nhằm phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời các
yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ.
- Xây dựng Quy định về việc đón - trả trẻ hằng ngày, quán triệt đến
toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường thực hiện đúng quy định.
- Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, sinh hoạt chuyên
môn theo hướng nghiên cứu bài học về các nội dung đảm bảo an toàn cho trẻ tại
trường.
- Tổ chức họp phụ huynh đầu năm để thống nhất các mục tiêu, nội dung,
hình thức, phương pháp phối hợp. Các cơ sở mầm non có thể sử dụng sổ liên lạc
điện tử hoặc sổ nhận - trả trẻ để giúp theo dõi tốt nhất trong việc đảm bảo chắc
chắn cha mẹ gửi trẻ tại trường.
- Yêu cầu nhân viên bảo vệ, phục vụ thực hiện mở, đóng cổng trường đúng
thời gian đón - trả trẻ theo quy định. Tập trung bao quát, không để những người
không có nhiệm vụ vào trường trong giờ đón, trả trẻ.
- Nhà trường đẩy mạnh truyền thông về công tác đảm bảo an toàn cho trẻ
trong các cơ sở giáo dục mầm non; đa dạng các kênh truyền thông (tuyên truyền
qua đài phát thanh của xã/phường, qua loa phát thanh của nhà trường, trên trang
web của trường, các bảng tin bên ngoài sân chơi và trong từng lớp học, trên các
nhóm zalo, facebook…) để đảm bảo hiệu quả, phù hợp, có sức lan tỏa sâu rộng nhằm
mục đích thúc đẩy công tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục mầm non với gia đình và
đoàn thể, tổ chức xã hội cùng chăm lo, đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non.
2. Đối với giáo viên mầm non
- Quản
lí tốt hồ sơ cá nhân của trẻ: thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ,
công việc và số điện thoại của cả cha và mẹ để thuận tiện trong việc liên hệ.
- Giáo
viên có mặt ở lớp đúng thời gian quy định để chuẩn bị tốt các điều kiện đón trẻ.
Có sự phân công hợp lí về thời gian làm việc của 02 giáo viên trong lớp và làm
tốt quá trình bàn giao công việc để thuận lợi trong việc theo dõi các hoạt động
của trẻ.
- Thống
nhất việc trả trẻ khi đó là bố mẹ, ông bà hoặc những người thân của trẻ mà cô
giáo đã biết, không trả trẻ cho người lạ mặt dù trẻ có biết người đó. Trong trường
hợp đặc biệt là bố mẹ, ông bà bận không thể đón bé thì phải gọi điện thoại cho
giáo viên để căn dặn trước người đón tên gì, có mối quan hệ gì, trẻ xác nhận có
quen người đó…thì cô giáo mới cho nhận trẻ. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng
sổ đón - trả trẻ để cha mẹ kí xác nhận về việc giao và đón trẻ tại lớp học (nhất
là đối với các cơ sở giáo dục mầm non nhỏ lẻ, việc đến lớp của trẻ không đều
tùy thuộc vào điều kiện của cha mẹ).
- Giáo
viên thường xuyên giáo dục trẻ về các nội dung đảm bảo an toàn: giúp trẻ nhận
biết tên, tuổi, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà mình ở; ngoài ra còn xây
dựng các tình huống thực tế giúp trẻ trực tiếp giải quyết tình huống khi bị thất
lạc ba mẹ, người lạ đến đón trẻ, người lạ cho quà bánh để bắt cóc…nhằm giúp
hình thành kĩ năng tự bảo vệ bản thân trẻ.
- Giáo
viên phải quan sát tất cả trẻ mọi lúc mọi nơi, kiểm tra sĩ số thường xuyên, nhất
là đối với các hoạt động được tổ chức ngoài trời, hoạt động tham quan, dã ngoại
bên ngoài khuôn viên trường học.
- Kịp thời
báo cáo với lãnh đạo nhà trường, liên lạc với cha mẹ trẻ để giải quyết các công
việc khi cần thiết.
3. Đối với cha mẹ trẻ
- Cung cấp
đầy đủ thông tin về cha, mẹ, số điện thoại liên hệ vào đầu năm học.
- Khi
đưa trẻ đến lớp cần trao trẻ tận tay cô giáo, trao đổi với giáo viên về những
điều cần phối hợp.
- Giờ đón
trẻ vào buổi chiều, cha mẹ cần vào đến lớp để đón trẻ. Nếu có trường hợp cha, mẹ
hoặc ông bà không đến đón được thì gọi điện báo trước với giáo viên và căn dặn
về việc nhờ người thân đón giúp. Khi trẻ có nhu cầu vui chơi trong sân trường,
cha mẹ luôn quan sát và yêu cầu trẻ chơi trong phạm vi cho phép, không chạy ra
ngoài khuôn viên trường học…
- Cha mẹ
cần thường xuyên giữ liên lạc với giáo viên để giải quyết các công việc khi cần
thiết.
- Cần phối
hợp với nhà trường trong việc giáo dục trẻ không đi theo người lạ, không nhận
quà bánh từ người lạ. Khi bị thất lạc, cần bình tĩnh đọc số điện thoại của cha
mẹ để nhờ gọi điện thoại hoặc biết kêu cứu, hét lớn để kêu gọi những người xung
quanh giúp đỡ.
- Khi
phát hiện con mình bị lạc hoặc bị bắt cóc, gia đình cần báo với nhà trường hoặc
cơ quan công an để được trợ giúp.
Đảm bảo
an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
của các cơ sở giáo dục và là một trong những tiêu chí để thể hiện mức độ uy
tín, chất lượng của trường đối với bậc cha mẹ và cộng đồng. Do đó, nhà trường cần
có sự phối hợp tốt với gia đình và các tổ chức xã hội để chung tay cùng chăm
sóc, bảo vệ trẻ em.
Mỹ
Hằng
- Phòng
MN&TH