Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi tổ chức ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non – tiểu học
Lượt xem: 145

    Những ngày gần đây, Bình Thuận bắt đầu thời thiết nắng nóng gay gắt kéo dài. Nắng nóng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển trong các loại thức ăn, thức uống; bên cạnh đó, việc chưa đảm bảo quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người, nhất là đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú tại trường.     

    Theo số liệu cập nhật ngày 07/4/2024, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 180/181 trường mầm non, mẫu giáo; 337 cơ sở mầm non độc lập tư thục và 62 trường tiểu học tổ chức cho trẻ/học sinh ăn bán trú tại trường.

    Những ngày này, thời tiết nắng nóng trải dài ở nhiều địa bàn trên toàn tỉnh, nhất là khu vực huyện Tuy Phong, Bắc Bình. Vì vậy, việc kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học là việc hết sức cần thiết và quan trọng. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú, các cơ sở giáo dục cần lưu ý thực hiện một số nội dung sau:

    1. Thực hiện tốt công tác quản lí bán trú

    - Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây qua đường thực phẩm.

    - Trước khi tổ chức bữa ăn bán trú tại trường học phải xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh hoặc có ngộ độc thực phẩm xảy ra; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định. Thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

    - Kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc thực phẩm của cơ sở cung ứng thực phẩm, suất ăn; kiên quyết không để các đơn vị cung ứng thực phẩm, chế biến suất ăn không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm cung cấp dịch vụ ăn uống cho nhà trường. Các đơn vị cung cấp thực phẩm, dịch vụ bán đồ ăn cho trường học cần phải cam kết thực hiện các dịch vụ an toàn, phòng chống dịch bệnh theo quy định.

    - Lưu mẫu tất cả các món ăn của bữa ăn trong ngày tại bếp ăn trường học để phục vụ cho việc truy xuất nguyên nhân gây ra sự cố an toàn thực phẩm. Việc lưu mẫu cần đảm bảo đúng liều lượng theo quy định (thức ăn đặc tối thiểu 100 gam, thức ăn lỏng tối thiểu 150ml).

   - Phân công lãnh đạo nhà trường trực bán trú, thực hiện công tác tự kiểm tra hàng tuần, hàng tháng có biên bản kiểm tra cụ thể. Tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể và Ban đại diện phụ huynh học sinh trong công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học.

    - Phối hợp với cơ quan quản lí các cấp, cơ sở Y tế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm; phát hiện và xử lí nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; giám sát chặt chẽ các sản phẩm được tặng miễn phí hoặc phân phát trong các chương trình giới thiệu sản phẩm, quảng cáo do tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tại khu vực trường học.

    2. Đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất

    - Đảm bảo nhà bếp độc lập với các khối phòng học và hỗ trợ học tập; có đầy đủ kho (kho lương thực và thực phẩm tách riêng biệt); bếp ăn được thiết kế một chiều đảm bảo phân chia theo từng khu vực, có thiết bị bảo quản thực phẩm.

    - Có đủ nước đạt quy chuẩn kĩ thuật phục vụ cho việc ăn uống, chế biến và sinh hoạt.

    - Có đầy đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ dụng cụ gắp, chia thức ăn, găng tay…

    - Đối với các cơ sở giáo dục vận chuyển thức ăn từ điểm chính đến điểm lẻ cần chú ý chứa (đựng) thức ăn trong các dụng cụ chuyên dụng, đảm bảo tránh bụi bẩn trong quá trình vận chuyển.

    3. Đảm bảo nguồn nhân lực

    - Nhân lực trực tiếp làm việc tại bếp ăn phải được tập huấn kiến thức, kĩ năng về an toàn thực phẩm theo quy định, khám sức khỏe định kì và không mắc bệnh truyền nhiễm.

    - Người trực tiếp chế biến thức ăn phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh như: mặc trang phục riêng, đội mũ, đeo găng tay, khẩu trang, móng tay sạch sẽ, không đeo đồ trang sức khi tiếp xúc với thực phẩm; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh.

    4. Tăng cường hoạt động giáo dục dinh dưỡng trong trường học

    Giáo viên hướng dẫn và tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng thông qua nhiều hoạt động khác nhau như: đưa vào hoạt động học, hoạt động góc, chơi ngoài trời, hoặc thông qua giờ bé tập làm nội trợ (đối với mầm non); hoặc đưa vào giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt cuối tuần, trong các giờ hoạt động trải nghiệm, đưa vào giờ học, lồng ghép trong quá trình học sinh tham gia bữa ăn bán trú (đối với học sinh tiểu học). Cụ thể các nội dung như sau:

    - Đối với trẻ độ tuổi mầm non: Giúp trẻ nhận biết về một số nhóm thực phẩm, lợi ích của việc ăn uống lành mạnh, đa dạng thực phẩm đối với sức khỏe và thực hành ăn uống trong cuộc sống hằng ngày…

    - Đối với học sinh tiểu học: Giúp học sinh hiểu được tháp dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, biết cách nhận biết các thực phẩm không lành mạnh, không an toàn đối với sức khỏe, ăn uống đa dạng, tăng cường ăn rau, trái cây, uống đủ nước trong một ngày, cách đọc nhãn mác thực phẩm…

    Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn trong trường học luôn là vấn đề cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Vấn đề này cần được quan tâm thực hiện thường xuyên, không chủ quan, lơ là. Toàn ngành Giáo dục tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn để học sinh được phát triển toàn diện.

Mỹ Hằng

- Phòng MN&TH

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang