Một số giải pháp đảm bảo quyền trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non
Lượt xem: 3617
Giáo dục quyền trẻ em là nội dung quan trọng trong các cơ sở GDMN nhằm  nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên về tầm quan trọng, ý thức bảo vệ các quyền trẻ em, qua đó xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện tốt các quyền cho trẻ, đồng thời giúp cảnh báo và phòng ngừa những hành vi lệch lạc trong cơ sở GDMN.   

1. Mở đầu
Trong bối cảnh giáo dục mầm non thế giới có xu hướng quan tâm tới quan điểm giáo dục toàn cầu của UNESSO, trong đó giáo dục giới tính, bình đẳng giới và Quyền trẻ em (QTE) là một trong những nội dung quan trọng cần được quan tâm. Để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, mỗi quốc gia cần phải thường xuyên chú trọng giáo dục quyền con người, đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó giáo dục mầm non được coi mà mầm móng quan trọng trong việc giáo dục con người.
Việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, quản lí, chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 về việc Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tiếp sau đó, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kí ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện QTE và bảo vệ trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; phần lớn các cấp, các ngành, toàn xã hội quan tâm và nhận thức về công tác trẻ em ngày một nâng cao; các QTE đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết. 
Việc tích hợp các nội dung giáo dục về QTE trong tổ chức và thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non chính là cách mà mỗi cán bộ quản lí, giáo viên mầm non giúp trẻ hình thành một số sự hiểu biết và kĩ năng ban đầu, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp phát triển các tiềm năng, tạo nên con người công dân toàn cầu. 
1. Nội dung nghiên cứu
1.1. Một số văn bản pháp lí về QTE
Công ước về QTE năm 1989 là Công ước đầu tiên đề cập tòan diện các QTE theo hướng tiến bộ, thừa nhận mọi trẻ em đều có quyền được sống, được phát triển, được tham gia và được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Luật trẻ em năm 2016 (Luật số 102/2016/QH13 của Quốc Hội ngày 05/4/2016). Luật đã tạo ra hành lang pháp lí quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em mà Việt Nam là một trong các quốc gia phê chuẩn Công ước về TQE của Liên hiệp quốc.
1.2. Các nhóm QTE
1.2.1. Quyền được sống
Quyền của trẻ em được sống một cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tổn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời, cụ thể:
- Quyền sống: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển;
- Quyền được khai sinh và có quốc tịch: Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định pháp luật;
- Quyền được chăm sóc sức khỏe: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được quyền ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh;
- Quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục: trẻ em có quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phát triển toàn diện;
- Quyền của trẻ em khuyết tật: Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ cac quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ nuôi dưỡng – chăm sóc – giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội;
- Quyền của trẻ em không có quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn: Trẻ em không có quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Quyền được sống chung với cha, mẹ: được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, trừ trường hợp cách li cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. 
1.2.2. Quyền được phát triển
Quyền được phát triển của trẻ em bao gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm quyền được học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ và những người xung quanh để phát triển hài hòa. Cụ thể:
- Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất niềm năng của bản thân; trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục, được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh;
- Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc: Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc, thừa nhận các quan hệ gia đình; Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình;
- Quyền được tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Trẻ em có quyền được tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
1.2.3. Quyền được bảo vệ
Quyền được bảo vệ của trẻ em bao gồm những quy định như trẻ em phải được bảo vệ chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc, buôn bán. Trẻ em còn được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô cớ vào thư tín và sự riêng tư. Quyền được bảo vệ bao gồm cả không bị tra tấn, đánh đập và lạm dụng trong trường hợp trẻ em làm trái pháp luật hay bị giam giữ. Cụ thể:
- Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ;
- Quyền được chăm sóc, thay thế và nhận làm con nuôi;
- Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục;
- Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em; 
- Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc: trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em;
- Quyền được bảo vệ không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt;
- Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy;
- Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lí vi phạm hành chính;
- Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang;
- Quyền được bảo đảm an sinh xã hội;
- Quyền về tài sản;
- Quyền bí mật đời sống riêng tư
1.2.4. Quyền được tham gia
Quyền được tham gia tạo mọi điều kiện cho trẻ em được tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Trẻ em có quyền kết bạn, giao lưu và hội họp hòa bình, được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin và lựa chọn thông tin phù hợp. Cụ thể:
- Quyền được vui chơi, giải trí: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí, được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi;
- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
- Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội;
- Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp.
1.3. Vai trò của gia đình và trường mầm non trong việc bảo vệ QTE
1.3.1. Vai trò của gia đình
Điều 37 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm QTE”.
Mục II chương IV Luật Trẻ em 2016 dành 7 điều (từ Điều 96 đến Điều 102) đề cập đến trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục. Trong đó “Cha, mẹ, các thành viên trong gia đình có trách nhiệm: 1. Nuôi dưỡng – chăm sóc – giáo dục trẻ em; 2. Giáo dục trẻ em; 3. Bảo vệ trẻ em; 4. Tạo điều kiện để trẻ em tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các hoạt động xã hội phù hợp; 5. Tạo điều kiện hướng dẫn trẻ em tiếp cận nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và mức độ trưởng thành của trẻ em; 6. Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình” (Điều 75 và khoản 1 Điều 78 Luật Trẻ em). Các quy định trên cho thấy, không nơi nào và không có chủ thể nào có thể bảo vệ quyền lợi của trẻ em bằng chính gia đình các em.
1.3.2. Vai trò của trường mầm non
Trường mầm non là chủ thể quan trọng thứ hai sau gia đình trong việc bảo vệ QTE được quy định tại Điều 37 Hiến pháp 2013 và các Điều 96 đến 102 Luật trẻ em năm 2016. Cụ thể, tại Điều 53 Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em quy định: Nhà trường tạo điều kiện để trẻ tha gia các hoạt động xã hội phù hợp; bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề trẻ em quan tâm thông qua các hình thức (khoản 2 Điều 74 Luật Trẻ em).
1.4. Một số giải pháp đảm bảo quyền trẻ em trong các cơ sở GDMN 
1.4.1. Tăng cường công tác quản lí giáo dục mầm non
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hiệu trưởng nhà trường trong việc xây dựng Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non; xây dựng các chỉ tiêu phù hợp với điều kiện của nhà trường, đồng thời xác định nhiệm vụ quan trọng nhằm nhấn mạnh QTE trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Lãnh đạo nhà trường cần nghiên cứu nắm vững các quy định về QTE để ban hành các văn bản quy định trong cơ sở GDMN như: Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, Kế hoạch phát triển nhà trường theo giai đoạn, Quy chế dân chủ trong nhà trường, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế phối hợp của nhà trường với phụ huynh và các tổ chức xã hội…; có trách nhiệm công khai đến toàn thể đội ngũ giáo viên, nhân viên trong nhà trường và công khai đến tất cả cha mẹ trẻ. Các quy định này cần được thực hiện nghiêm túc nhằm tạo ra một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, thoải mái của các thành viên trong nhà trường và đảm bảo môi trường giáo dục thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.
Hằng năm, định kì chỉ đạo thực hiện công tác kiểm kê tài sản để có kế hoạch mua sắm, bổ sung các loại đồ dùng – đồ chơi – thiết bị dạy học tối thiểu để đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi tại trường. Ưu tiên đầu tư và bổ sung ở điểm lẻ có điều kiện khó khăn để đáp ứng nhu cầu ra lớp, đảm bảo tất cả trẻ đều được học tập và vui chơi trong các điều kiện tốt nhất.
Triển khai thực hiện đúng các chính sách về hỗ trợ cho trẻ em và giáo viên mầm non theo quy định của Chính phủ và một số chính sách đặc thù của địa phương (hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em vùng khó khăn, hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy lớp ghép, lớp dân tộc thiểu số); đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các cá nhân, tổ chức hỗ trợ kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho trẻ, hỗ trợ nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Thường xuyên giám sát, kiểm tra, nhắc nhở giáo viên về các nội dung đảm bảo QTE; xây dựng các chế tài để xử lí các hành vi vi phạm QTE nhằm cảnh báo và phòng ngừa kịp thời các hành vi mang tính lệch lạc.
1.4.2. Đổi mới các hoạt động giáo dục theo hướng tích hợp nội dung QTE vào chương trình GDMN hiện hành
Chương trình GDMN là chương trình khung của quốc gia, các nhà trường có quyền tự chủ trong công tác xây dựng kế hoạch giáo dục dựa trên một số nguyên tắc, quan điểm nhằm nhấn mạnh QTE đảm bảo sự đa dạng, phong phí và hòa nhập.
Các cơ sở GDMN cần lồng ghép mục tiêu QTE, các giá trị liên quan đến bảo đảm QTE vào chương trình để thực thi. Cần tích hợp một cách gần gũi như các nội dung về nhận thức, kĩ năng, thái độ như: trẻ biết được các quyền, nghĩ vụ của mình; trẻ được đối xử công bằng, bình đẳng, được tôn trọng, được lắng nghe, được thụ hưởng; trẻ chấp nhận sự khác biệt giữa mình và các bạn; trẻ có cơ hội được bảy tỏ, giới thiệu về các nét văn hóa, dân tộc, món ăn, bài hát của gia đình, dân tộc; trẻ có quyền được tham gia lựa chọn chủ đề, tham gia các lễ hội hoạt động trải nghiệm, các hoạt động vui chơi…
Trong quá trình giáo dục phải có sự tham gia và trao quyền cho trẻ em, cung cấp cho trẻ những cơ hội thực tế để thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo những cách phù hợp với sở thích, mối quan tâm và khả năng phát triển của trẻ. Giáo dục QTE gắn liền với các vấn đề hằng ngày ở nhà, ở trường và các môi trường công cộng, đồng thời gắn liền với giáo dục quyền và bổn phận của trẻ em và người khác. Chương trình giáo dục nhà trường và của các lớp đáp ứng khả năng, nhu cầu của cá nhân trẻ, bao gồm cả trẻ em khuyết tật.
1.4.3. Nâng cao chất lượng các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN
Nhà trường có chế độ dinh dưỡng hợp lí cho trẻ em thể hiện qua thực đơn và các bữa ăn hằng ngày; có phòng học phù hợp, có đủ nước sạch, công trình vệ sinh; thực hiện vệ sinh tốt cho trẻ; có chế độ chăm sóc phù hợp với trẻ khuyết tật; có chương trình hỗ trợ, tư vấn chăm sóc và dinh dưỡng trẻ em tại gia đình; có đầy đủ thông tin tiêm chủng cung cấp cho cha mẹ và hỗ trợ trẻ trong việc tiêm chủng.
Các hoạt động và phương pháp tổ chức hoạt động của giáo viên hướng tới trẻ em có cơ hội được tiếp thu ngôn ngữ và tiếp xúc với các câu chuyện, khuyến khích sự tò mò, khám phá, hiểu các khái niệm cơ bản, khuyến khích tính sáng tạo và tư duy phản biện của trẻ, giúp trẻ phát triển các kĩ năng cần thiết cho cấp học phổ thông.
Tổ chức các hoạt động tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc để trẻ thể hiện sự khác biệt của bản thân, giúp tương tác với bạn bè và những người khác để thể hiện đặc sắc riêng nhằm tôn trọng sự khác biệt của mọi người; giúp trẻ có khả năng tương tác và hợp tác, hỗ trợ để hình thành các mối quan hệ tốt đối với bạn bè, cô giáo và tất cả mọi người.
1.4.4. Xây dựng môi trường hướng tới đảm bảo QTE
Môi trường giáo dục cần gắn liền với các tiêu chí của Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, đảm bảo cho trẻ được tham gia vào quá trình thiết kế môi trường cùng cô, tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động trải nghiệm; trẻ được cô giáo động viên, khuyến khích tham gia các hoạt động để thể hiện bản thân và phối hợp tốt với các bạn.
Môi trường giáo dục xuất phát “Từ trẻ”, trẻ tham gia bày tỏ ý kiến và ý kiến của trẻ được tôn trọng, ghi nhận trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử; “Vì trẻ” môi trường giáo dục chứa đựng những nội dung giáo dục tốt đẹp và mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ; “Do trẻ” trẻ tham gia tích cực vào việc xây dựng môi trường giáo dục tốt đẹp, đáng tin cậy, an toàn và thân thiện với trẻ.
Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, việc cùng thảo luận về trách nhiệm và quy tắc lớp học là phương thức hiệu quả để bắt đầu hoạt động giáo dục về QTE. Trẻ biết và được bày tỏ những điều mình muốn, đồng thời hiểu trách nhiệm của mình để chuẩn bị tinh thần cho những hoạt động làm chủ bản thân, tự lực trong các hoạt động tại trường. Giáo viên cần xây dựng “bầu không khí quyền con người” trong môi trường lớp học và toàn trường trên sự tôn trọng lẫn nhau trong tất cả các chủ đề có liên quan khi cùng thực hiện các qui tắc đã được thống nhất.
1.4.5. Tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền với cha mẹ trẻ và cộng đồng để đảm bảo QTE
Sự tham gia của cha mẹ, cộng đồng, các lực lượng xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo thực hiện chương trình GDMN đạt chất lượng, hướng tới sự phát triển trẻ thơ theo tiếp cận đảm bảo quyền của trẻ khi thực thi, không chỉ ở gia đình, nhà trường, lớp học mà còn ở cộng đồng nơi trẻ sinh sống.
Nhà trường cần tuyên truyền, thúc đẩy, thu hút sự tham gia của các bậc cha mẹ thông qua các hoạt động giáo dục và tạo môi trường học tập, vui chơi phù hợp cho trẻ, cũng như thực thi các quyền của trẻ khi trẻ ở nhà và trong cộng đồng. Giáo viên xây dựng kế hoạch phối hợp với cha mẹ trẻ từ đầu năm học với nội dung, hình thức cụ thể để tuyên truyền cho cha mẹ nhằm đảm bảo QTE để người lớn biết, thực hiện và không vi phạm QTE.
Tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau như: trao đổi trực tiếp trong các cuộc họp cha mẹ trẻ (đầu năm, cuối năm); khi gặp cha mẹ vào thời điểm đón – trả trẻ; khi đến thăm gia đình trẻ; hoặc trao đổi, chia sẻ, gửi tài liệu qua các nhóm Zalo, Facebook; tuyên truyền trên bảng tin, trang web của trường, loa phát thanh, pa nô, áp phích của trường; kết hợp với thôn, xã để tuyên truyền các quyền của trẻ trên loa phát thanh của thôn, xã…để giúp truyền tải thông tin về QTE, trách nhiệm của gia đình – nhà trường – xã hội trong thực thi đảm bảo quyền cho trẻ em.
Phối hợp liên ngành trong các dịch vụ giáo dục, y tế và xã hội để hỗ trợ trẻ em dễ bị tổn thương và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, lạm dụng và sao nhãng.
2. Kết luận
Mỗi thành viên trong cơ sở GDMN vừa là một chủ thể hưởng QTE, vừa là đối tượng cần được bảo vệ, điều đó được quy định rất rõ trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.
Trách nhiệm của các nhà giáo dục nói chung và cấp học mầm non nói riêng phải biết, hiểu về các quyền của trẻ, đồng thời có kế hoạch giúp trẻ đạt được các quyền theo quy định. QTE được thể hiện qua việc đảm bảo trẻ em vui thích đến trường, được khỏe mạnh, năng động, tự tin và sẵn sàng vào các hoạt động; được chăm sóc y tế thường xuyên, được ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi theo đúng lứa tuổi và nhu cầu của bản thân; trẻ được tự do bày tỏ quan điểm cá nhân, được nói tiếng nói của mình, được thể hiện bản sắc văn hóa, được đối xử công văn và bình đẳng; được tôn trọng sự khác biệt của các bạn, của môi trường; được tham gia xây dựng nội quy lớp học, lựa chọn các hoạt động giáo dục theo nhu cầu và sở thích…
Các cơ sở giáo dục mầm non cần xây dựng môi trường giáo dục hướng tới việc đảm bảo QTE, đây được xem là mục tiêu quan trọng trong xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả trong thực hiện QTE trong các cơ sở GDMN.

Mỹ Hằng - Phòng MN&TH

 
Tin khác
1 2 3 4 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang